Danh sách chủ đề
Chuyện không của riêng ai mỗi kỳ thi JLPT
Mùa thi JLPT nữa lại chuẩn bị đến, hẳn bạn nào cũng sẽ đặt ra mục tiêu riêng. Mình sẽ chia sẻ cho các bạn một số "mẹo" để có thể chinh phục thành công kỳ thi này
Đối với những người học tiếng Nhật, chinh phục kỳ thi JLPT chính là mục tiêu lớn bởi tính uy tín và lâu đời của nó. Sau một quá trình học tập miệt mài và vượt qua kỳ thi JLPT N2, bản thân mình đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm và “mẹo” ôn luyện tiếng Nhật để các bạn có thể vượt qua dễ dàng.
1. Định hướng bản thân
Trước khi bắt tay vào ôn thi, việc đầu tiên mà các bạn nên làm đó là định hướng bản thân, bao gồm nhìn lại, xác định điểm mạnh điểm yếu của chính bản thân mình, hay nói cách khác là xác định rõ ràng các kỹ năng mình tự tin và chưa tự tin. Vì sao kỹ năng đó bạn còn chưa tốt? Nguyên nhân nào đang cản lối con đường phát triển tiếng Nhật. Khi xác định được mấu chốt vấn đề còn yếu kém, các bạn mới có thể sửa chữa và bù đắp khối lượng kiến thức phù hợp.
Định hướng bản thân giúp bạn hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của chính mình
Công việc này thực sự là cần thiết. Bởi quá trình ôn luyện cần được phân bổ đều cho các kỹ năng thay vì chỉ tập trung vào kỹ năng bạn tự tin và thích nhất. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến việc học của các kỹ năng còn lại. Trong bài thi điểm một kỹ năng rất cao nhưng điểm những kỹ năng khác thấp, thậm chí là liệt.
Vì thế, định hướng bản thân là một việc đơn giản, thường bị bỏ qua nhưng nếu bạn xém xét lại nghiêm túc, bạn sẽ thấy con đường học tiếng Nhật sẽ trở nên rõ nét hơn nhiều.
2. Lập kế hoạch ôn luyện
Sau khi định hướng bản thân, lập kế hoạch cụ thể là điều tiếp theo bạn nên làm. Lập kế hoạch càng cụ thể, càng chi tiết, mục tiêu sẽ càng trở nên rõ ràng, có thể đong đếm được bằng lượng thời gian và lượng kiến thức.
Lấy 1 ví dụ rằng, bạn đang ở trình độ N3, bạn nền lập kế hoạch cho việc học và thi đỗ N2 trong 6 tháng. Trong 6 tháng đấy, bạn có thể tham khảo một số đầu sách cần thiết N2 đó là: Ngữ pháp mimikara, Ngữ pháp shinkanzen, Từ vựng Mimikara, Từ vựng supido, Đọc hiểu shinkanzen, Đọc hiểu soumatome, Nghe hiểu Mimikara…
Kế hoạch càng cụ thể, mục tiêu càng dễ thực hiện
Với mỗi cuốn sách, bạn nên xem có bao nhiêu bài học, mỗi bài nên học trong bao lâu để phân bổ thời gian biểu cụ thể, càng chi tiết càng tốt. Có như vậy bạn mới dễ dàng nắm bắt được lượng kiến thức và thời gian học cụ thể.
3. Một số “mẹo” khi luyện thi
a. Nghe hiểu
· Phần nghe hiểu lúc nào cũng được coi là phần “khó nhằn” nhất đối với người học. Tuy nhiên, cũng giống như các ngôn ngữ khác, bởi lượng từ vựng và phát âm còn yếu và người Nhật nói nhanh thường hay nuốt âm.
· Cải thiện phần nghe không khó nhưng yêu cầu sự kiên trì và tập trung khi nghe. Thời gian đầu, các bạn cố gắng nghe keywords. Trong quá trình nghe, nếu bạn chỉ tập trung liên tưởng đến nghĩa Tiếng Việt thì rất có thể bạn sẽ mất đi mạch nội dung phía sau.
· Trong lúc tự học ở nhà, lần 1 bạn nên cố gắng nghe một lần rồi chọn đáp án luôn. Sau đó, bạn hãy xem lại script và đáp án, ghi lại những từ mới chưa biết. Lần 2, bạn vừa nhìn script vừa nghe lại một lần nữa. Lần 3, nghe thêm một lần nữa mà không nhìn script. Với phần nghe, bạn nên rèn luyện nghe mỗi bài tối thiểu 3 lần. Sau một thời gian luyện tập, chắc chắn trình độ nghe hiểu của các bạn sẽ tăng lên đáng kể.
· Còn một cách hữu hiệu nữa khi luyện nghe đó là việc nghe những thứ mình thích, ví dụ xem phim, xem youtube, nghe bản tin tiếng Nhật…
Nghe hiểu được coi là phần "khó nhằn" với hầu hết các thí sinh
b. Đọc hiểu
· Người Việt học tiếng Nhật thường đưa ra một nhận xét đó là cách hành văn của người Nhật thường vòng vo, khó hiểu, khó nắm bắt. Tuy nhiên, việc này có thể được khắc phục bằng cách mỗi ngày bạn nên bỏ ra một chút thời gian để đọc các đoạn văn Nhật, sớm hay muộn thì bạn sẽ quen và “ngấm” với cách hành văn này.
· Với các bài thi có cấu trúc ở mức độ khó (trình độ N2, N1), đề thi JLPT khá chú trọng vào phần đọc hiểu. Vì thế, các bạn có thể luyện bằng cách ôn theo dạng bài, luyện kỹ năng đọc nhanh, tìm nội dung thông qua các từ khóa (keywords)…
· Khoảng một tháng trước khi thi, cố gắng phân bổ thời gian hợp lí bằng cách đặt ra khoảng thời gian cố định cho từng bài. Ví dụ mỗi bài đọc ngắn chỉ làm trong 2 phút, còn bài đọc dài chỉ được làm trong 10 phút.
Muốn đọc hiểu tốt, cần có phương pháp đọc
c. Từ vựng
Khối lượng từ vựng vốn rất lớn, chưa kể từ học xong ít dùng, không có ví dụ sẽ khiến bạn quên đi một cách nhanh chóng. Có một số cách học mà mình gợi ý cho các bạn như sau:
· Sử dụng Flashcards mỗi ngày: Một mặt ghi từ chữ Hán một mặt ghi nghĩa và ví dụ minh họa đi kèm.
· Ondoku: Đây là cách học đọc to từ vựng, giúp bạn nhớ mặt chữ, nhớ và nhanh nhạy hơn với âm đọc của từ, để khi nghe đến từ bạn dễ dàng nhớ ra.
· Học qua các phần mềm trên điện thoại. Bạn hoàn toàn có thể dùng các phần mềm học tiếng Nhật vào những lúc rảnh rỗi để tranh thủ nâng cao và kiểm tra khả năng từ vựng của mình.
Có rất nhiều cách ghi nhớ từ vựng nhanh và lâu
d. Chữ Hán
· Trước khi học chữ hán, các bạn nên nắm vững các bộ thủ cơ bản để từ đó có thể nhớ và suy ra ý nghĩa của chữ Hán một cách dễ dàng.
· Nếu có thời gian, các bạn nên học kĩ từng chữ (học âm Hán Việt, âm On – âm Kun) cùng những từ thường xuyên sử dụng với các chữ Hán này. Để nhớ lâu, các bạn nên lấy ví dụ và sử dụng trong từng trường hợp cụ thể.
e. Ngữ pháp
· Thay vì học thuộc các ngữ pháp, bạn có thể học bằng cách nhớ một câu cụ thể liên quan đến cấu trúc ngữ pháp đó hoặc tự mình đặt một ví dụ cho mỗi cấu trúc được học.
· Tự kẻ bảng phân loại các cấu trúc có ý nghĩa gần hoặc giống nhau; hoặc bảng các cấu trúc dễ nhầm lẫn.
· Ôn kĩ tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ, vì trong bài thi JLPT phần ngữ pháp luôn có câu hỏi về kính ngữ.
Tham khảo thêm các cách chinh phục kỳ thi JLPT tại Dekiru nhé! Chúc các bạn thành công!
Cấu trúc đề thi JLPT N5 N4 N3 N2 N1 tiếng Nhật theo chuẩn mới nhất
Tiếng Nhật N5, N4 Hoàn toàn có thể đạt được bằng cách tự học.
Tổng hợp bộ từ vựng tiếng Nhật N5